Tọa đàm "Nữ trí thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030" có sự tham gia của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng.
Tại tọa đàm "Nữ trí thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030", Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, Đông Anh Phạm Thị Lý cho biết, trước nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân về công tác đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và khách là rất cần thiết.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Phạm Hùng
Hưởng ứng Chương trình 02, Hội Nữ trí thức xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp Hà Nội bền vững - ứng dụng và giải pháp” nhằm chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp theo “Phương pháp hữu cơ sinh học” hoàn nguyên cho đất, nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm, bảo vệ môi trường và tầng nước ngầm, hạn chế sử dụng hóa học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Chuyển giao công nghệ, tập huấn hướng dẫn cho nông dân ứng dụng chế phẩm Bio EM 5in1 (chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi và phương pháp sản xuất chế phẩm này) làm thức ăn phụ trong chăn nuôi, để xử lý chất thải hữu cơ.
Theo Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, các kết quả khảo nghiệm cho thấy, Bio EM 5in1 giảm được 80% mùi hôi chuồng trại, tăng thu nhập cho người chăn nuôi từ việc bán nguồn thải chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng thịt thương phẩm.
Cùng với đó, ứng dụng chế phẩm Bio EM 5in1 để xử lý nguồn thải hữu cơ trong chăn nuôi, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sau sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, sản xuất thành phân bón hữu cơ phụ vụ nông nghiệp an toàn, bền vững.
Ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm TP Hà Nội; thiết lập “Chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn có kỉểm soát” do phụ nữ làm chủ theo mô hình liên kết 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng).
Ngoài ra, phát động phong trào “Mỗi gia đình một giỏ rác tình nguyện vì môi trường trong sạch”, trong đó lấy phụ nữ làm nòng cốt để triển khai thực hiện; liên kết nhóm người tiêu dùng với nhà sản xuất thông qua kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng bằng công nghệ CheckVN và hệ thống truy xuất hn.check.net.vn hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, Đông Anh Phạm Thị Lý chia sẻ tại tọa đàm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cũng bày tỏ, Đề án được xây dựng trên cơ sở hoạt động cộng đồng, chưa có nguồn ngân sách hỗ trợ nên đang dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa. Để triển khai đưa vào thực tiễn, cần có sự phối hợp của nhiều tổ chức xã hội, sự vào cuộc của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Vì vậy, Hội Nữ Trí thức Hà Nội kiến nghị Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho các sở ngành liên quan phối hợp với Hội triển khai phổ cập mạnh mẽ, tuyên truyền lợi ích việc ứng dụng “Giải pháp hữu cơ sinh học trong bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp Hà Nội bền vững”.
"Bên cạnh đó, TP bố trí nguồn ngân sách duy trì việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo chuyển giao công nghệ và quy trình ứng dụng Bio EM 5in1. Nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân. Kêu gọi các tổ chức xã hội, các quỹ đầu tư uy tín tham gia đầu tư, bảo trợ cho các ý tưởng sáng tạo của các nữ trí thức Thủ đô. Đầu tư nghiên cứu chế biến các sản phẩm của nông dân thành các sản phẩm thương phẩm theo chuỗi từ sản xuất nông trại đến tay người tiêu dùng. Hỗ trợ tìm kiếm nguồn tài trợ và bảo trợ đe có nguồn kinh phí ổn định duy trì đề tài", Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương kiến nghị.
Bài viết: Giải pháp phát triển nông thôn Hà Nội bền vững - Tin tức/ Báo điện tử Kinh tế và đô thị.