Chặng đường phát triển “Giải pháp hữu cơ vi sinh” và sản xuất nông nghiệp bền vững của Liên hiệp HTX nông nghiệp hữu cơ & dược liệu Việt Nam

26/05/2020 | 09:30:25

Ngày 20/5/2020, Liên Hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ và Dược liệu Việt Nam (Tên viết tắt là VHA COOPS) đã chính thức ra đời. Đánh dấu chặng đường phát triển mới của “Giải pháp hữu cơ vi sinh” và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Được biết, từ năm 2016, sau khi “Quy trình xác thực chống hàng giả” (Công nghệ CheckVN) được nhận bằng độc quyền sáng chế, nhóm tác giả trẻ của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển đã bắt tay xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững - Ứng dụng và giải pháp” trình Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phê duyệt và quyết tâm triển khai thực hiện với các mục tiêu:

1. Thiết lập một phương pháp sản xuất nông nghiệp thân thiện, bảo vệ môi trường theo nguyên lý hoàn trả, hoàn nguyên dinh dưỡng cho đất. Phương pháp sản xuất này tôn trọng nguyên tắc tự nhiên, dùng vi sinh vật hữu ích tác động tích cực vào quá trình sản xuất, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng và thuốc trừ sâu hóa học, để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp với tên gọi “Giải pháp hữu cơ vi sinh – Ogravina”, còn gọi tắt là “Giải pháp hữu cơ vi sinh” hoặc Giải pháp Ogravina;

2. Chế tạo một bộ sản phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và xử lý môi trường với mục tiêu chủ động hoàn toàn nguồn vi sinh vật gốc mà không bị phụ thuộc quốc tế để chủ động sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt, khẳng định niềm tin với người tiêu dùng;

3. Hình thành mô hình sản xuất chuỗi liên kết gồm năm nhà (Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng) khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và được kiểm soát, quản trị bằng nền tảng công nghệ CheckVN để cùng nông dân, nông nghiệp phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Và đến cuối năm 2016, Đề án đã được Hiệp hội DNNVV Việt Nam thông qua, trình Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đó, tại kế hoạch số 383/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 4 tháng 5 năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã giao nhiệm vụ: “Triển khai Giải pháp hữu cơ vi sinh bảo vệ môi trường và xây dựng nền nông nghiệp sạch Việt Nam” cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam triển khai trên toàn quốc.

 

                                                                                                 
Bằng độc quyền sáng chế chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi

Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp KHKT Hà Nội, Viện vi sinh vật và Công nghệ sinh học Việt Nam nghiên cứu và sáng chế thành công chế phẩm vi sinh Bio EM 5in1 – Bằng độc quyền sáng chế số 19371 cấp theo quyết định  số 37129/QĐ – SHTT ngày 31/5/2018; Công bố chất lượng số HC2017.002/TB-TĐC.HN năm 2017.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững - Ứng dụng và giải pháp” nhóm tác giả nghiên cứu đã quyết định thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, đặt trụ sở tại khu Đàm Rào, Tuân Lề, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội vào tháng 1 năm 2017.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi 5 nhà của HTX nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương được xây dựng tháng 2 cùng năm với việc trồng thử nghiệm 5.800m2 trồng rau hữu cơ sinh học và một hộ chăn nuôi 12 con lợn. Bước đầu, kết quả thành công của mô hình đã được Hội đồng khoa học Liên hiệp thành phố Hà Nội nghiệm thu và đánh giá vào tháng 5/2017, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Sản phẩm của mô hình đạt danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018.

Được sự quan tâm chỉ đạo và quyết liệt vào cuộc của Ủy ban nhân dân Huyện Đông Anh, Phòng kinh tế huyện Đông Anh, các cấp chính quyền và nhân dân xã Tiên Dương, các nhà khoa học của Trung tâm IDE và Liên hiệp KHKT Hà Nội, mô hình thành công của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương đã được nhân rộng sang HTX DVTM Cổ Loa với 3,5ha khoai tây hữu cơ sinh học Cổ Loa; 2,5ha rau quả hữu cơ sinh học của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tàm Xá; 3ha rau hữu cơ sinh học của HTX Sơn Du; 2ha rau hữu cơ sinh học Hải Anh…

Sau đó, kết quả thành công của mô hình được hưởng ứng, nhân rộng sang các tỉnh như Đắc Nông (Hội nông dân tỉnh Đắk Nông ứng dụng), Vĩnh Phúc (Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư ứng dụng), Nam Định (Trang trại Đình Mộc), Hòa Bình (Hộ sản xuất Trần Hùng – Vua bưởi xứ Mường), Hưng Yên (HTX Ngọc Bộ thôn Long Hưng, Văn Giang, Hưng Yên), Thanh Hóa (Hương Quê Farm, Trang trại bò Anh Minh Giang), Thái Nguyên (Mô hình chè hữu cơ sinh học của huyện Võ Nhai)…



Nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản Việt đến với người tiêu dùng

 Bà Phạm Thị Lý - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ và Dược liệu Việt Nam chụp ảnh cùng Giáo sư Chia-LiWu - Chủ tịch mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á 

Thái Bình Dương tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ  8

Kết quả nghiên cứu và ứng dụng của Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững - Ứng dụng và giải pháp” đã được Hội nữ Trí thức Hà Nội báo cáo tại Tọa đàm “Nữ trí thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030”.

Ngày 05/4/2019, tại Thông báo số 1886 TB/TU của Thành ủy Hà Nội, Phương pháp hữu cơ vi sinh và mô hình thành công của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương đã được nhận ý kiến chỉ đạo, phối hợp triển khai và nhân rộng của đồng chí Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.

Sau một chặng đường hơn ba năm nghiên cứu, thí nghiệm, triển khai và ứng dụng, phương pháp hữu cơ vi sinh – Orgavina đã khẳng định được lợi ích, tính khoa học, tính kế thừa và tính sáng tạo trong thực tiễn; Góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng nước ngầm, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông sản của người Việt Nam.

Phương pháp hữu cơ vi sinh không chỉ góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của nông dân khi hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu và phân hóa học trên đồng ruộng. Phương pháp này còn tận dụng toàn bộ rác thải hữu cơ trong quá trình sản xuất nông nghiệp, biến thành nguồn phân hữu cơ tại chỗ rất hiệu quả và tiết kiệm.


Giáo sư Vũ Hoan - Chủ tịch Hội LHKH Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ 5 nhà của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương

Việc nghiên cứu và triển khai thành công hai sáng chế khoa học của người Việt Nam là “Quy trình xác thực chống hàng giả” xây dựng các hệ thống TXNG nông sản thực phẩm; Chế tạo thành công chế phẩm Bio EM 5in1 từ sáng chế ”Chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi” vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; Chủ động vận động nông dân và doanh nghiệp liên kết để tạo ra các chuỗi sản phẩm nông sản chất lượng, uy tín, phát triển và hội nhập...đã khẳng định được tâm huyết, nghị lực và khát vọng của một thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam tự trọng, tự lập và yêu nông nghiệp, yêu Việt Nam.

Bên cạnh đó, kết quả này cũng khẳng định sự sáng tạo trong phát triển hoạt động công tác hội của Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Tầm quan trọng của việc lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân.

Trước những thành quả đó, ngày 20/5/2020 Liên Hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ và Dược liệu Việt Nam (Tên viết tắt là VHA COOPS) được ra đời. Trụ sở VHA COOPS tại nhà số 63 Cao lỗ, Đông Anh, Hà Nội. Các thành viên sáng lập VHA COOPS bao gồm:

HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội; HTX Nông nghiệp Hữu cơ Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội; HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tàm Xá, Đông Anh, Hà Nội; HTX Rau quả An toàn Ngọc Bộ, Văn Giang, Hưng Yên; Công ty cổ phần Rau An toàn Hải Anh, Đông Anh, Hà Nội; HTX Bưởi đỏ Đông Cao, Mê Linh, Hà Nội; Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Xuân Trường, Nam Định; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Đông Sơn, Thanh Hóa; Công ty Cổ phần KHCN Bảo Tín, Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội; HTX Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội; HTX Nông nghiệp Khánh Phong, Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội; HTX Dịch vụ Thương mại Cổ Loa, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội; Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư và Phát triển Thuận Thiên; Trại Giun Quế GHT, Sóc Sơn, Hà Nội;Công ty Thực phẩm sạch Bigreen Việt Nam, Thanh Xuân, Hà Nội./.

 

Các tin khác

Bản quyền hn.check.net.vn thuộc về UBND thành phố Hà Nội.

Đơn vị chịu trách nhiệm quản lý: Chi cục QLCL nông lâm sản và thuỷ sản - Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội.

Đơn vị vận hành Hệ thống: Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển.

Điện thoại: +84.2435406169 - Hotline: 0395719999 - 0963056116

Email: info@check.net.vn