Phân bón là “vật tư đầu vào” của quá trình sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò rất quan trọng trong nền nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nếu dùng trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường canh tác cũng như môi trường sống, và cho ra các sản phẩm nông nghiệp kém chất lượng, “thiếu an toàn”. Những người nông dân khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc cũng có nguy cơ mắc các bệnh về gan và hô hấp.
Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính đến năm 2017, cả nước đã có khoảng 12 triệu hộ gia đình hoạt động chăn nuôi và gần 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Nguồn thải hữu cơ từ gia súc, gia cầm ra môi trường ước tính khoảng 84,5 triệu tấn nhưng chỉ có khoảng 20% được xử lý, 80% còn lại bị đổ thẳng ra môi trường. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam nhập tới hơn 2 triệu tấn phân hóa học các loại từ nước ngoài.
Từ thực tế trên, một số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh đã nghiên cứu và sáng chế ra một loại chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Chế phẩm này tác động vào thức ăn trong chăn nuôi, không chỉ xử lý được mùi hôi trong chuồng trại mà khi phân thải ra môi trường còn thúc đẩy quá trình mùn hóa phân nhanh hơn. Khi được xử lý cùng các nguồn thải hữu cơ khác sẽ tạo thành phân hữu cơ vi sinh, giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất cây trồng.
Rau sạch hữu cơ của huyện Đông Anh được bày bán ở nhiều siêu thị lớn.
Anh Hoàng Hữu Vân, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá (Đông Anh) chia sẻ: “Từ năm 2019, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên hai mô hình là rau sạch hữu cơ và cam Xuân Canh, sau khi triển khai đã thu được nhiều thành quả ngoài mong đợi. Cụ thể, cam Xuân Canh trong năm đầu tiên áp dụng bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh đã đạt sản lượng lên tới 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; các loại rau cũng cho năng suất cao hơn mà vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”.
Thành công của các mô hình nông nghiệp trên đã chứng minh hiệu quả và tính ứng dụng của các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, là cơ sở để chính quyền huyện Đông Anh tuyên truyền, vận động bà con nông dân dần có những thay đổi trong hoạt động canh tác, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong chăm bón quất cảnh.
Trước đây, phân bón hóa học và chất bảo vệ thực vật được bà con sử dụng rất phổ biến trong canh tác. Tuy nhiên từ khi có sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, thói quen canh tác của người dân đã thay đổi rất nhiều. Ông Hoàng Viết Thính, chủ một vườn quất tại xã Tàm Xá chia sẻ: “Những loại phân hóa học tuy có công dụng diệt sâu bọ tốt nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của nhà nông. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi có những chế phẩm sinh học vừa bảo đảm năng suất và dáng đẹp của cây lại vừa bảo vệ đất cũng như sức khỏe của người làm vườn. Có những sản phẩm tốt như vậy, chúng tôi rất yên tâm truyền nghề cho con cháu”.
Ngoài ra, theo anh Hoàng Hữu Vân, mỗi năm sau khi hết Tết, người dân thường bỏ cả cây quất đi rất phí, quả thì sai nhưng không ai dám ăn vì sợ ảnh hưởng của thuốc trừ sâu. Vì vậy, chính quyền xã đang hướng đến mục tiêu nói "không" với phân bón hóa học, bảo đảm sự an toàn cho cây, để sau Tết, người dân có thể dùng quả quất với nhiều mục đích khác nhau...
Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các mặt hàng nông sản trên thị trường và các tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm, việc hướng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch là một bước đi quan trọng giúp nâng cao uy tín của nông sản huyện Đông Anh, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển kinh tế cho người dân.
Bài, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH