Thừa nhận còn nhiều rào cản như lãnh đạo các doanh nghiệp nêu, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ rào cản đó để doanh nghiệp thành công, đóng góp cho nền kinh tế.
Thừa nhận còn nhiều rào cản như lãnh đạo các doanh nghiệp nêu, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ rào cản đó để doanh nghiệp thành công, đóng góp cho nền kinh tế.
Các giải pháp của Thủ tướng
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu các giải pháp cho lĩnh vực công nghệ và doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính đưa Việt Nam thành nước phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình.
"Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, hoàn thiện quản lý", ông nói. Hiện Việt Nam mới mua các dây chuyền công nghệ.
"Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ; dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toàn toàn cầu", người đứng đầu Chính phủ nêu.
Ông cũng nhấn mạnh doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hoá rồng". Các doanh nghiệp này có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng cho rằng tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn. Đó là con người thông minh, sáng tạo, cần cù, thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, tạo ra một quốc gia thông minh
Cách mạng công nghiệp lần 4 là cơ hội cho những ý tưởng, sáng tạo mới. Cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, hành động cụ thể, kịp thời, hành động đồng bộ để chuyển đổi nền kinh tế.
Doanh nghiệp công nghệ có nhiệm vụ nâng cao chất, tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên tầm cao hơn, doanh nghiệp gắn trọng trách dẫn dắt việc chuyển đổi số quốc gia song song với tiến trình làm chủ. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thực hành khẩu hiệu "sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất".
Thủ tướng: Tháo dỡ rào cản để doanh nghiệp công nghệ phát triển
Dành trọn buổi sáng lắng nghe những tham luận của lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam, cũng như chuyên gia trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu bài phát biểu với những ấn tượng về những ý tưởng được nêu.
"Chính phủ lắng nghe, tiếp thu thì doanh nghiệp có thể phát triển thành công", Thủ tướng nói. Ông giao Bộ TT&TT ra chiến lược, chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ, trình vào tháng 6, làm cơ sở pháp lý cho triển khai. Nhà nước cụ thể hóa lộ trình, các bước đi cụ thể để phát triển được.
Thừa nhận còn nhiều rào cản như lãnh đạo các doanh nghiệp nêu, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ rào cản đó để doanh nghiệp thành công, đóng góp cho nền kinh tế.
"Phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải nhường chỗ cho các phương thức hiện đại, sử dụng công nghệ", người đứng đầu Chính phủ nói và nhấn mạnh nhu cầu hành động và hành động ngay.
Tham luận tại diễn đàn, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch công ty VinFast, tiết lộ tập đoàn mới thành lập doanh nghiệp tư vấn giải pháp tự động hóa quản trị Vinbrain cũng như đầu tư phát triển hệ thống trợ lý bác sĩ
Còn quá sớm để nói Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình
“Tôi cho rằng Việt Nam mới trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 và còn quá sớm để nói Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, chia sẻ.
Ông Sidgwick cho rằng để chuẩn bị tốt cho giai đoạn thoát bẫy thu nhập trung bình, chúng ta cần hiểu rõ về cuộc CMCN 4.0. Đó là cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ, tạo ra một nền kinh tế số. Nền kinh tế này sẽ mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cả Chính phủ.
Đại diện ADB cũng đưa ra nhiều đề xuất tới Chính phủ, trong đó có việc đầu tư vào công nghệ và đổi mới, đầu tư vào chất lượng giáo dục (dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp) và kỹ năng (trên cơ sở nhận thức), hỗ trợ hệ sinh thái cho công nghệ khởi nghiệp, đảm bảo và tạo điều kiện phát triển môi trường pháp lý và cạnh tranh, theo đuổi các sáng kiến chính phủ điện tử và kiểm soát rủi ro công nghệ.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thành điểm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế
Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết tổng giá trị của các doanh nghiệp công nghệ năm 2018 đã là 11.500 tỷ USD, bằng 15,5% GDP toàn cầu.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghệ cao hơn khoảng 2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 15 năm qua. Các doanh nghiệp công nghệ đã chiếm vị trí chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng, quyết định năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là trung tâm, nhưng những cụm ngành đổi mới đang hình thành trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh Indonesia, Việt Nam đã thành điểm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Thành cũng lưu ý, sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ "không phải là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp đơn lẻ mà là sự đi lên của cả một cụm ngành đổi mới".
Đại diện MISA: Dùng hóa đơn điện tử, Việt Nam tiết kiệm 10.000 tỷ mỗi năm
Ông Nguyễn Thành Long, lãnh đạo của MISA cho hay hiện Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có khoảng 1.000 hợp đồng mỗi năm. Với chi phí 15.000 đồng cho một hóa đơn giấy truyền thống, Viêt Nam sẽ tốn khoảng 10.500 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên nếu ứng dụng hóa đơn điện tử, chi phí này sẽ rút gọn chỉ còn 500 đồng một hóa đơn, từ đó tiết kiệm 10.150 tỷ đồng mỗi năm cho kinh tế Việt Nam.
Hà Nội không còn cảnh chen nhau đạp cổng nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp
Tham gia thảo luận về bài toán của thành phố lớn cần các doanh nghiệp Việt giải quyết bằng công nghệ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu một loạt ví dụ thành công của thành phố.
Từ chuyện số hóa hồ sơ doanh nghiệp, hệ thống hóa dữ liệu dân cư đến việc triển khai hệ thống camera giám sát giao thông, thu gom xử lý rác thải, trật tự đô thị... được ông Chung dẫn ra.
Chỉ trong vài tháng, Hà Nội đã xây xong cơ sở dữ liệu dân cư cho 7,9 triệu dân, và công nghệ này hoàn toàn được phát triển bởi doanh nghiệp trong nước. 4 năm qua, cơ sở này vận hành trơn tru, không gặp bất kỳ sự cố nào.
Ông cũng nhắc câu chuyện 3 năm trước, Hà Nội từng chứng kiến cảnh phụ huynh học sinh phải chen nhau ở các trường như Thái Thịnh... thậm chí làm đổ tường, để nộp hồ sơ cho con vào các lớp đầu cấp. Với phát triển của công nghệ, đến nay, 86% hồ sơ tuyển sinh đầu cấp đã được nộp trên môi trường mạng, ông Chung cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển doanh nghiệp công nghệ là ưu tiên số 1
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhu cầu sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế, và sản xuất tại Việt Nam.
"Công nghệ giải những bài toán Việt Nam. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doang nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu", ông nói.
"Nếu chỉ tiếp tục lắp ráp, Việt Nam không giải được bài toán lao động, không thoát được bẫy thu nhập trung bình", ông nói.
Ông cũng lưu ý đó cũng là trách nhiệm của Việt Nam với tư cách quốc gia toàn cầu, công dân toàn cầu, đóng góp cho phát triển thế giới, chứ không chỉ hưởng thành quả của thế giới.
Việc này, theo Bộ trưởng, không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn vì hòa bình lâu dài với công nghiệp quốc phòng phát triển.
Muốn như vậy, ông lưu ý phát triển DN công nghệ là ưu tiên số 1. Để làm được điều đó, phải tạo ra thị trường, và Chính phủ là người mua sắm lớn nhất.
Cũng trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, ở các lĩnh vực dịch vụ, như thương mại, bất động sản, tài chính, ..., đã thành công, có qui mô thị trường, có nguồn lực về tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp.
"Cần phải đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp, hình thành lên các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có qui mô lớn, đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất", ông nói.
"Đây không chỉ là lời kêu gọi mà đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này".
Bộ trưởng cũng lưu ý nhiều quốc gia đã hoá rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn.