- - Thời vụ
+ Mướp đắng gieo trồng từ tháng 3 – 9, vụ xuân hè gieo tháng 3 – 4, vụ thu đông gieo tháng 8 – 9.
- Giống
+ Sử dụng các giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, được cung ứng từ các cơ sở có uy tín.
+ Các giống mướp đắng VA 254, HN 126, Chiatai, 054, 185; East-west 241, 242, 277; TS-01, mướp đắng lai MĐ1…
+ Lượng hạt giống: 70 – 90 gram/sào (khoảng 2 – 2,5 kg/ha).
- Làm đất
+ Đất trồng phải đảm bảo đủ điều kiện cho sản xuất rau an toàn theo quy định tại mục II của quy trình này. Lên luống cao 30cm, khoảng cách luống rộng 1,4 m (rãnh đến rãnh), mặt luống rộng tối thiểu 40cm, dễ thoát nước. Sau mỗi vụ nên giữ nguyên luống, cho nước ngập luống khoảng 10 ngày và có thể sử dụng máy xới mini làm đất trên mặt luống. Có thể che phủ nilon mặt luống để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại.
- Mật độ trồng
+ Mật độ: 1.400 – 1.600 cây/sào (40.000 – 45.000 cây/ha).
- Bón phân
a) Biện pháp chỉ dùng phân hữu cơ: có thể lựa chọn các loại phân hữu cơ và liều lượng bón
– Liều lượng bón:
+ Bột đậu tương (hoặc khô dầu đậu tương) 30 – 40 kg/sào (800 -1.100 kg/ha) và ngô bột 10 – 15 kg/sào (300 – 450 kg/ha).
+ Rặc phân hữu cơ nguồn gốc động vật xử lý nhiệt (như Fetiplus, Melgert, Nature,…): 20 – 40 kg/sào (550 – 800kg/ha) và ngô bột 10 – 15 kg/sào (300 – 450 kg/ha).
+ Hoặc phân chuồng ủ hoai mục 500 – 600 kg/sào (15.000 – 17.000 kg/ha) và ngô bột 10 – 15 kg/sào (300 – 450 kg/ha).
+ Tùy theo cây trồng và lượng bón vụ trước để tăng hoặc giảm lượng đậu tương.
– Phương pháp bón:
+ Bột đậu tương (hoặc khô dầu đậu tương), phân hữu cơ nguồn gốc động vật xử lý nhiệt và ngô bột bón lót 100% khi làm đất. Lưu ý không bón trực tiếp vào cây.
+ Phân chuồng ủ hoai mục: Bón làm 2 đợt, đợt 1 bón lót 70%, đợt 2 bón thúc lượng phân còn lại khi cây bắt đầu có nụ hoa. Tùy theo tình trạng của cây trồng, điều kiện đất đai mà có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách ngâm phân hữu cơ ủ hoai mục với nước hoặc chắt dịch ngâm hòa loãng với nước để tưới bổ sung cho cây.
+ Luân canh với cây đậu tương để cải tạo đất. Khi thu hoạch đậu tương tiến hành cày vùi toàn bộ với nơi thuận lợi nguồn nước hoặc ủ với nơi không thuận lợi nguồn nước.
b) Biện pháp có dùng phân hóa học
+ Liều lượng: phân chuồng ủ hoai 250 – 300 kg/sào (7.000 – 8.500kg/ha), hoặc phân hữu cơ vi sinh 35 – 40 kg/sào (1.000 – 1.100kg/ha); đạm urê 5 – 6 kg/sào (150 – 180 kg/ha); super lân 10 – 12 kg/sào (280 – 340 kg/ha); kali 6 – 7 kg/sào (170 – 190kg/ha); NPK(5:10:3): 35 – 40 kg/sào (1.000 – 1.100kg/ha).
+ Phương pháp bón: bón lót 100% phân chuồng ủ hoai, 50% phân hữu cơ vi sinh, 50% lân super, 20% kali, 30% NPK. Bón thúc lần 1 (khi cây có 4 -5 lá thật): 25% urê, 25% lân super, 20% kali. Bón thúc lần 2 (khi xuất hiện nụ hoa): 50% phân hữu cơ vi sinh, 20% urê, 25% lân super, 20% kali, 25% NPK. Bón thúc lần 3 (sau thu quả lứa 4 – 5): 25% urê, 20% kali, 25% NPK. Bón thúc lần 4 (sau thu quả lứa 10 – 12): 25% urê, 20% kali, 20% NPK. Lưu ý bón đạm urê trước khi thu hoạch ít nhất 7 ngày.
- Tưới nước và chăm sóc
+ Sử dụng nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại mục II của quy trình này. Tưới nước đủ ẩm từ sau khi trồng đến khi thu hoạch. Tiêu nước kịp thời khi ngập úng. Áp dụng biện pháp tưới rãnh hoặc tưới nhỏ giọt.
+ Làm cỏ cần kết hợp cắt tỉa lá già, lá bị sâu, bệnh phấn trắng, lá bị dòi đục hại nặng đem tiêu hủy.
- Làm giàn
+ Khi cây cao khoảng 25 – 30 cm tiến hành làm giàn. Giàn cắm theo hình chữ A (đối với luống đơn rộng 1,0 – 1,2m) hoặc làm giàn theo kiểu giàn mướp (đối với luống rộng 2,0m); cắm hàng 2 bên ở giữa bắc ngang giúp cho quả buông xuống đều, nhanh lớn.
- Phòng trừ sâu bệnh
- Các đối tượng sâu bệnh hại chính: sâu xám, sâu khoang, sâu xanh, rệp, bọ trĩ, ruồi đục lá, bệnh phấn trắng, ruồi đục quả.
a) Biện pháp canh tác, thủ công:
+ Luân canh với cây cải xanh, khi cây cải xanh ra hoa cày vùi kết hợp ngâm nước khoảng 10 ngày để hạn chế sâu bệnh trong đất.
+ Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ hoai mục.
+ Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học EMINA, BIOEM, EM,… để ủ. Ngắt bỏ lá bị bệnh hại, nhổ bỏ cây bị bệnh, ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non (sâu xám bắt vào buổi tối). Luân canh với cây trồng khác họ.
+ Tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển, dẫn dụ, xua đuổi côn trùng gây hại như: hoa cúc, hướng dương, soi nhái, sen cạn, ba lá, linh lăng, húng, bạc hà, hành, tỏi, xả, gừng,…trồng xen vào các luống rau hoặc đầu luống rau.
+ Bẫy chua ngọt trừ trưởng thành họ ngài đêm (sâu khoang, sâu xám,…):
+ Cách làm bẫy: hỗn hợp 4 phần mật (đường) + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước + thuốc trừ sâu khuấy kỹ. Chứa vào xô nhựa, can nhựa đậy kín, sau 3 – 4 ngày bốc mùi chua ngọt thì đem ra sử dụng. Vật liệu đựng bẫy: làm bằng hộp nhựa, chai nhựa (đường kính, chiều cao, thể tích phù hợp thực tế) trên thành hộp đục các lỗ tròn có đường kính 2 – 3cm.
+ Sử dụng: 0,1 – 0,15 lít/hộp, 3 – 5 bẫy/sào hoặc có thể sử dụng bùi nhùi bằng rơm nhúng bả sau đó cắm trên ruộng.
- Bẫy protein trừ ruồi đục quả:
+ Bẫy có dạng hình cầu, che mưa, che nắng tránh tia tử ngoại giúp mồi chậm phân giải; bẫy có màu vàng hấp dẫn ruồi; nắp vặn dưới đáy dễ sử dụng, có lỗ thoát nước giúp cho bông tẩm thuốc không bị ướt (có thể sử dụng phế liệu có cấu tạo, tác dụng tương tự).
+ Dùng bông chấm 1 – 2 ml thuốc Flykil 95 EC, không pha loãng, chiều dài miếng bông cuốn vào que treo trong hộp bẫy là 2cm tính từ đầu que, sau đó đặt vào trong hộp bẫy đã được chuẩn bị. Sử dụng bẫy khi bắt đầu xuất hiện quả non, treo bẫy cách mặt đất từ 0,5 – 1m bằng cọc tre (gỗ) hoặc treo trên giàn, nếu cây có cắm giàn sẵn. Mật độ treo 55 bẫy/ ha (2 bẫy/sào). Thời gian thay bông mới có tẩm thuốc là 15 ngày/lần.
+ Sử dụng bẫy dính màu vàng, màu xanh để thu hút trưởng thành có cánh như ruồi đục lá, rệp, bọ trĩ.
+ Cách làm và sử dụng bẫy: dùng một mặt phẳng màu vàng hoặc màu xanh có kích thước 50x30cm, quét chất bám dính (dầu dính côn trùng hoặc nhựa thông,…) lên hai mặt. Treo trực tiếp bẫy vào giàn, treo ở rìa tán cây với khoảng cách 10 mét 1 bẫy. Thời gian thay bẫy hoặc quét thêm chất bám dính tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết, mật độ sâu đã dính vào bẫy, trung bình 3 – 5 ngày quét thêm chất bám dính, 20 ngày thay bẫy mới.
b) Biện pháp sử dụng thuốc BVTV:
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh, điều tra phát dục sâu hại, dự tính thời gian trưởng thành, sâu non rộ. Dự báo mức độ bệnh hại để hướng dẫn phòng trừ đúng thời điểm. Sử dụng thuốc ít độc, thời gian cách ly ngắn (sinh học, thảo mộc) khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao.
+ Xử lý các loại thuốc khi mật độ: sâu khoang, sâu xanh: > 5 con/m2; rệp, bọ trĩ: > 30% cây; ruồi đục lá: > 30% lá; bệnh phấn trắng: >10% cây.
+ Lựa chọn, xử lý bằng các loại thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn như trong các loại thuốc sau:
+ Sâu khoang, sâu xanh sử dụng thuốc: Chlorantraniliprole (Dupont Prevathon 5SC,…); Spinetoram (Radiant 60SC, …); Indoxacarb(DuPont Ammate 150SC,…); Lufenuron (Match 050 EC,…); Emamectin benzoate (Susupes 1.9EC, Dylan 2EC,…); Emamectin benzoate + Matrine (Rholam super 100WG, Mectinstar 1EC,…).
+ Rệp, bọ trĩ sử dụng thuốc: Matrine (Agri one 1SL, Marigold 0.36SL, Sokupi 0.36SL,…); Thiamethoxam (Actara 25WG, Fortaras 25WG…); Abamectin (Silsau 3.6EC, Reasgant 1.8EC,…) Emamectin benzoate (Susupes 1.9EC, Dylan 2EC,…); Dinotefuran (Oshin 20WP, Chat 20WP…).
+ Ruồi đục lá sử dụng thuốc: Dinotefuran (Oshin 20WP, Chat 20WP…); Spinetoram (Radiant 60SC,…); Indoxacarb (Dupont Ammate 150EC,…); Abamectin + Petroleum oil (Soka 25EC, Batas 25EC, Aramectin 250EC,…); Chlorantraniliprole (Dupont Prevathon 5SC…).
+ Bệnh phấn trắng sử dụng thuốc: Chlorothalonil (Daconil 75WP, Chionil 750WP, Arygreen 75 WP…); Fosetyl-aluminium (Aliette 800 WG, Juliet 80 WP, …); Cymoxanil + Mancozeb (Carozate 72WP, Xanized 72WP…); Bacillus subtilis (Bionite WP, …).
+ Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào đúng nơi qui định.
- Thu hoạch
+ Mướp đắng cho thu hoạch liên tục từ 1 – 3 ngày/lần, cần thu đúng độ chín, không để già (sau khi thụ phấn từ 7 – 10 ngày). Khi thu hoạch phải nhẹ nhàng, tránh đứt dây, chú ý không để dập nát, để nơi khô mát, sau đó đóng vào bao bì sạch để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
- Tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và điều kiện sản xuất (được áp dụng theo QCVN 01-132:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế).
- Chất lượng sản phẩm
+ Mức giới hạn tối đa về kim loại nặng trong rau theo quy định tại QCVN 8-2:2011/BYT.
+ Mức giới hạn tối đa về thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất khác theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT; trường hợp chưa có quy định trong Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT thì áp dụng theo Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT.
- Đất trồng
+ Hàm lượng một số kim loại nặng trong đất dưới ngưỡng cho phép: Asen (As): ≤ 15,0 mg/kg đất khô; Cadimi (Cd): ≤ 1,5 mg/kg đất khô; Chì (Pb): ≤ 70,0 mg/kg đất khô; Đồng (Cu): ≤ 100,0 mg/kg đất khô; Kẽm (Zn): ≤ 200 mg/kg đất khô; Crom (Cr): ≤ 150,0 mg/kg đất khô.
+ Đất trồng không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, khu dân cư, nghĩa trang, bệnh viện,… (xa nhà máy hóa chất ít nhất 2 km, xa đường quốc lộ ít nhất 50m).
- Nước tưới
+ Hàm lượng của một số kim loại nặng trong nước dưới ngưỡng cho phép: Thuỷ ngân (Hg): ≤ 0,001 mg/lít; Cadimi (Cd): ≤ 0,01 mg/lít; Asen (As): ≤ 0,05 mg/lít; Chì (Pb): ≤ 0,05 mg/lít.